Nhà hiền triết Krishnamurti cho rằng người trẻ nên ý thức về chính mình một cách trung thực, không định kiến để vượt qua những bối rối, tổn thương khi còn non nớt trước cuộc đời.
Người trẻ thường than phiền mình buồn và cô đơn, là bởi họ không được trang bị những kỹ năng đối diện với những tổn thương, bối rối, cảm giác thất bại, tuyệt vọng, áp lực. Hiểu rõ điều này, nhà hiền triết có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, Krishnamurti đã dành riêng những lời chia sẻ của mình về cuộc sống cho giới trẻ trong cuốn sách Bạn đang nghịch gì với đời mình?
Những người trẻ tổn thương, cô đơn, bối rối
Mạng xã hội cho chúng ta cơ hội kết nối với rất nhiều người khác trên hành tinh này. Và ở màu da, quốc tịch nào, ta cũng có thể quan sát những người trẻ – những người đang ở ngưỡng cửa bước vào cuộc đời. Họ đối mặt với những khoảng thời gian chênh vênh, bất ổn, tổn thương và cô đơn trong hành trình khám phá chính mình.
Ta thấy họ là những người trẻ bi quan, “lắm nỗi buồn”? Ta đau lòng và cũng lên án khi họ tìm cách trốn thoát nỗi đau tinh thần và sự rối loạn bằng cách sa đà vào ma túy, các thú tiêu khiển, tình dục hay tìm cách bận rộn?
Thấu hiểu, đầy cảm thông và cũng rất mực sáng suốt, diễn thuyết gia của thế kỷ XX, người được trao huân chương Hòa bình của Liên Hiệp Quốc – Krishnamurti không lên án những người trẻ. Ông thật sự thấu hiểu và chia sẻ những tổn thương, cô đơn, bối rối, áp lực mà người trẻ gặp phải trong hành trình tìm kiếm chính mình.
Đầu tiên, Krishnamurti tin rằng: mỗi con người đều có khả năng nội tại để khám phá mình là ai, đang làm gì với đời mình và nhìn nhận các mối quan hệ, công việc. Nhưng ông cũng hiểu rằng, đa phần mọi người gặp khó khăn trong việc soi rọi mình thật rõ ràng giữa “đám bụi mịt mù của ngôn từ”: người trẻ được dạy mình nên nghĩ gì chứ không được dạy nhiều về cách tư duy, được học cách trốn khỏi nỗi cô đơn và sự đau khổ, nhưng không biết được cách chấm dứt nó.
Ở phần đầu tiên trong cuốn sách “Bạn nghịch gì với cuộc đời mình”, Krishnamurti đưa ra những khái niệm căn bản về tâm trí, bản ngã… Ông đưa ra những ý tưởng cho việc trả lời những câu hỏi “tôi là ai”, “tại sao phải thay đổi ngay bây giờ?”, “thay đổi chính mình có phải thay đổi được thế giới?”, “mục đích sống là gì”… Đó là những câu hỏi mà tin chắc rằng, đa số người nào trong chúng ta cũng từng hỏi mình một lần trong đời.
Ở phần thứ hai, Krishnamurti cho rằng hiểu biết bản thân chính là chìa khóa của tự do. Ông đề cập đến những nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ hãi, sự giận dữ và bạo lực, sự buồn chán, niềm vui thích, lòng ghen tị chiếm hữu hay lòng tự trọng với sự thành công hay thất bại…
Krishnamurti lấy một ví dụ: “Khi chúng ta ghét một người vì lý do người đó xấu tính trong vài năm trước. Thì ngay hiện tại, khi chúng ta gặp lại họ thì chúng ta vẫn nghĩ người xấu tính dù họ đã thay đổi”.
Ông cho rằng, thiếu đi sự quan sát hay thấu hiểu độc lập xem những điều gì xảy ra thực sự là khởi nguồn của đau khổ và mất tự do. Ông khuyến khích giải phóng khỏi những cảm xúc tuyệt vọng, lo lắng, nghi ngờ hay tự phụ… mỗi người chúng ta nên giữ một tâm trí không ngừng tò mò, khám phá và quan sát từng khoảnh khắc của hiện tại mà không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến và định kiến.
Ở phần thứ ba của cuốn sách, Krishnamurti đề cập đến vấn đề về giáo dục, công việc, và tiền bạc. Đó là những thứ gắn liền với đời sống của người trẻ. Krishnamurti chỉ ra rằng “giáo dục hiện nay là sự tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được”. Ông cho rằng người trẻ nên tìm tòi, ý thức về chính mình một cách trung thực không mảy may định kiến.
Bởi học vấn nếu chỉ để thỏa mãn sự khẳng định bản thân, sẽ biến tướng thành những đố kỵ, tham vọng, khiến ta đánh mất cơ hội cảm nhận cuộc sống như nó vốn là.
Với ông, mục tiêu của giáo dục không phải là tạo ra những nhân viên, công chức làm việc một cách máy móc trong những hệ thống, mà là những con người thống nhất trong suy nghĩ, sở hữu năng lực, sự khôn ngoan, và không chút sợ hãi.
Mỗi cá nhân thay đổi, xã hội có thể thay đổi
Và ở phần cuối cùng của cuốn sách, Krishnamurti đề cập đến những mối tương quan của con người với những cái toàn thể. Đó là các mối quan hệ – tình yêu, gia đình, xã hội, và rộng hơn, xa hơn là thiên nhiên, Trái Đất, chân lý, thượng đế và cái chết.
Krishnamurti chỉ ra rằng, khi chúng ta không hiểu được mối tương quan đúng đắn với những mối quan hệ, ta phạm phải rất nhiều sai lầm. Ta không biết cách yêu thương thiên nhiên mà chỉ biết cách tận dụng. Ta biến tình yêu trở thành việc theo đuổi sự hài lòng và khi đó hôn nhân trở thành sự lợi dụng lẫn nhau. Ta sợ hãi cái chết vì không hiểu mối quan hệ giữa ta và nó.
Tác giả Jiddu Krishnamurti khi còn trẻ. |
Ông phát biểu: “Nếu người ta có thể hiểu rõ sâu sắc vấn đề của sự liên hệ này giữa chính người ta và một người khác vậy thì có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ và giải quyết những vấn đề của sự liên hệ của chúng ta với xã hội, bởi vì xã hội không là gì khác hơn là sự mở rộng của chính chúng ta”. Quan điểm “thay đổi từng cá nhân là cách để thay đổi toàn bộ nhân loại” trong cuốn sách này cũng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm và các buổi diễn thuyết của Krishnamurti.
Là một cuốn sách viết riêng cho người trẻ, song Bạn đang nghịch gì với đời mình? cần thiết cho bất kỳ ai vẫn đang đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa cuộc đời mình. Bởi cuốn sách giống như một cuốn cẩm nang sống, đưa ra gợi ý cho nhưng băn khoăn về cuộc đời mà mọi lứa tuổi gặp phải.
Và như Krishnamurti nói: “Chúng ta không cần phân định ra những vấn đề của tuổi trẻ, của tuổi trung niên, hay của tuổi lão niên. Không có vấn đề của tuổi trẻ nào cả, có chăng là khi còn trẻ thì ta mắc lỗi do quá non nớt và thiếu kinh nghiệm sống mà thôi”. Với cuốn sách này, ta luôn có cơ hội để thay đổi, làm mọi thứ tốt hơn trong hôm nay!
Tác giả sách Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti (1895-1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề ông quan tâm bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu. Ông để lại khối lượng sách đồ sộ, các bài diễn thuyết của ông sau này cũng được in thành sách.